Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu
Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu
Sáng 28-9, tại TP.HCM, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu đã công bố và trao Giải thưởng lần thứ XII – năm 2024.
Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ do nhóm tác giả đến từ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thực hiện, do Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM xuất bản và phát hành.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng công trình nghiên cứu với tâm huyết, sự lao động sáng tạo của tác giả đã đóng góp cho lịch sử, văn hóa của đất nước, khu vực Nam Bộ và thành phố.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu này sẽ giúp TP.HCM có thêm kho tư liệu quý làm cơ sở hoạch định chiến lược, chính sách văn hóa, xã hội phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Theo ông Mãi, Giải thưởng Trần Văn Giàu cần được giới thiệu rộng rãi hơn để các tổ chức, các nhà nghiên cứu trên cả nước và nước ngoài có các công trình nghiên cứu về Nam Bộ có thể tham gia, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ dày 552 trang, được bố cục thành 2 phần với 4 chương.
Trong đó phần 1 là “Vùng Sài Gòn – Gia Định: Từ sơ khởi đến năm 1859”, phần 2 là “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859 – 1945)”.
Các chương trong cuốn sách theo thứ tự là “Những tiền đề hình thành vùng đất mới”, “Sài Gòn – Gia Định trước thời Pháp thuộc”, “Tổ chức hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn” và “Quy hoạch đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn”.
Tại buổi lễ, bà Cù Thị Dung, đại diện nhóm tác giả đến từ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, cho biết bà vinh dự khi đóng góp một phần nhỏ trong việc nghiên cứu những giá trị lịch sử.
Một số vấn đề trong tác phẩm còn mới, chỉ là những mảnh ghép ban đầu cho một đô thị hàng đầu Nam Bộ. Do đó, cần sự chung tay của nhiều thế hệ để viết thêm nhiều tư liệu về Sài Gòn – Chợ Lớn và rộng hơn là Nam Bộ.
“Với những người nghiên cứu không chuyên, tác phẩm là một quá trình chuẩn bị và nghiên cứu trong thời gian dài.
Ngoài việc thừa hưởng một khối lượng tri thức đồ sộ đã công bố về Sài Gòn – Chợ Lớn từ các thế hệ và nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi còn tiệm cận và xử lý một khối tài liệu lưu trữ lớn hiện đang bảo quản tại các trung tâm lưu trữ, đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ quốc gia II”, bà Cù Thị Dung chia sẻ.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!