Phát hành cuốn sách ‘Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng’
Sách vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM và Công ty First News phát hành (ảnh).
Đây là tập hợp loạt ký sự cùng tên đăng trên Báo Thanh Niên 20 năm trước của tác giả Hoàng Hải Vân, Tấn Tú và bổ sung phần 2 về cuộc đời hoạt động của vị tướng tình báo kiệt xuất trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới và giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước khỏi bọn diệt chủng Pol Pot. Đó là vị tướng tình báo anh hùng Đặng Trần Đức (Ba Quốc).
Là nhà tình báo duy nhất thâm nhập cơ quan Mật vụ Phủ Tổng thống và Đặc ủy Trung ương tình báo của đối phương, ông Ba Quốc đã có công lao đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cuốn sách tường thuật những điệp vụ gay cấn trong chuỗi dài những hoạt động đơn độc phải đối mặt với không ít những nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, trong đó có những điệp vụ siêu hạng:
– Cứu ông hoàng Norodom Sihanouk. Vụ đặt bom giết hoàng thân Sihanouk là vụ ám sát gây chấn động thế giới do cơ quan Mật vụ Phủ Tổng thống chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện với sự hậu thuẫn của CIA. Với tư cách là sĩ quan mật vụ Phủ Tổng thống, ông Ba Quốc được giao làm một trong những thành viên chủ chốt của cuộc mưu sát này. Lợi dụng triệt để một nhiệm vụ song song được ông Trần Kim Tuyến giao theo lệnh của ông Ngô Đình Nhu là đi bắt một lãnh tụ “Hòa Hảo dân xã”, một nhiệm vụ khẩn cấp và nguy hiểm, ông đã rút khỏi nhóm mưu sát sau khi thống nhất thời gian tiếp khách của ông hoàng và kế hoạch đặt bom đâu vào đấy. Kết quả là quả bom đặt trong món quà của người bạn thân gửi tặng ông hoàng đã nổ nhưng không trùng với thời gian tiếp khách nên ông Sihanouk thoát chết. Ông Ba Quốc đã bố trí cho quả bom nổ lệch giờ để cứu ông hoàng.
– Cứu ông Nguyễn Văn Linh và 15 đặc khu ủy viên Sài Gòn Gia Định. Phát hiện những cán bộ cấp cao này hoạt động bí mật trong nội thành, cơ quan Mật vụ Phủ Tổng thống giao cho ông Ba Quốc theo dõi “phá án”. Đây là một điệp vụ nằm ngoài nhiệm vụ tình báo được cấp trên giao nhưng biết là người “mình” nên ông đã tìm cách báo trước cho ông Nguyễn Văn Linh. Việc ông Nguyễn Văn Linh và 15 đặc khu ủy viên thoát hiểm là câu chuyện gay cấn. Ông Ba Quốc cũng hết sức khôn khéo thoát việc truy cứu trách nhiệm.
– Lấy tài liệu tuyệt mật về các ổ gián điệp mà đối phương cài ở miền Bắc là một điệp vụ cực kỳ nguy hiểm nhưng ông Ba Quốc đã kiên trì, khôn khéo và mạo hiểm lấy được toàn bộ 42 ổ gián điệp để giúp tổng hành dinh ở miền Bắc xóa sạch những ổ gián điệp này.
– Cung cấp về tổng hành dinh các tài liệu tuyệt mật của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, đó là các “Hồ sơ trận liệt cộng sản Bắc Việt” ghi các sư đoàn và các đơn vị quân đội ta, bao gồm tên cấp chỉ huy, nơi đóng quân, trang bị vũ khí hỏa lực, tinh thần “cán binh” và những diễn biến trên chiến trường mà địch nắm được để đối phó với quân ta. Trong suốt nhiều năm liền, ông Ba Quốc đã chụp được tất cả những hồ sơ này gửi về cấp trên. Biết được những hồ sơ này đã giúp cho quân ta thay đổi toàn bộ việc bố trí quân và chiến thuật, góp phần làm thất bại các chiến dịch quân sự của địch trên chiến trường. Cho đến khi địch phát hiện “những tài liệu gửi cho Bộ Tổng tham mưu mà tổng tham mưu trưởng chưa đọc nhưng Hà Nội đã đọc rồi” thì ông Ba Quốc mới bị lộ, nhưng đó là khi chiến tranh gần kết thúc…
Khác với nhiều nhà tình báo khác cũng rất lừng lẫy như tướng Phạm Xuân Ẩn hay Vũ Ngọc Nhạ… sau năm 1975 từ một điệp viên đơn tuyến, ông Ba Quốc trở thành một nhà chỉ huy tình báo. Cuốn sách giới thiệu những công lao đặc biệt xuất sắc của ông từ sau năm 1975, trong đó:
Là nhà chỉ huy tình báo đầu tiên phát hiện dã tâm của Khmer Đỏ và quan thầy của chúng. Là người triển khai mạng lưới tình báo sâu rộng để đập tan và làm vô hiệu hóa các thủ đoạn sâu hiểm của chúng, đã giúp lãnh đạo đất nước kịp thay đổi chiến lược, xác định đúng kẻ thù, tạo tiền đề cho các chiến dịch quân sự bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tấn công vào tận hang ổ của chúng, giải phóng đất nước Campuchia thoát họa diệt chủng, giúp lực lượng yêu nước Campuchia giành lại chính quyền hồi sinh đất nước.
Ông cũng là nhà tình báo sớm dự báo sự sụp đổ của Liên Xô, góp phần giúp lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chiến lược thích nghi với tình hình mới. Ông cũng là nhà tình báo đầu tiên thiết lập hệ thống tình báo công nghiệp để giúp quân đội giải quyết bài toán vũ khí khi không còn sự viện trợ vũ khí từ Liên Xô và Đông Âu.
Ông là “cha đẻ” của các điệp viên anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, là người thầy của tướng Nguyễn Chí Vịnh và các nhà tình báo thế hệ mới.
Lần đầu tiên công chúng biết về ông Ba Quốc và những hoạt động lừng lẫy của ông trong chiến tranh giải phóng dân tộc qua loạt ký sự được in trong cuốn sách này. Và cũng lần đầu tiên công chúng được biết về hoạt động của ông sau năm 1975 qua tiết lộ của người học trò xuất sắc của ông là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Cuốn sách góp phần bảo tồn những di sản vô cùng quý giá về quân sự – chính trị trong lĩnh vực thầm lặng nhất của quân đội ta.
Sách bắt đầu bán rộng rãi tại các nhà sách trong cả nước.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!